Câu chuyện chú chó Hachiko: Biểu tượng của lòng trung thành
Josh Billings có một câu nói rất hay thế này: “Chó là điều duy nhất trên trái đất yêu bạn hơn yêu chính nó”. Có thể nói, loài chó từ lâu nay hẳn đã chiếm được một vị trí quan trọng trong lòng những người yêu động vật nói riêng và thế giới nói riêng bởi sự thông minh, đáng yêu và trên hết là lòng trung thành, tận tụy của chúng. Giống như câu chuyện rất nổi tiếng về chú chó Hachiko - Chú chó trung thành đã trở thành biểu tượng của Nhật Bản mà Beadoggo sẽ cùng bạn tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
Nguồn gốc của chú chó Hachiko
Chú chó Hachiko có nguồn gốc từ giống chó Akita Inu - Một giống chó gắn liền với những đức tính tuyệt vời như thông minh, tình cảm và lòng trung thành tuyệt đối. Chúng là niềm tự hào của những người yêu chó ở xứ sở hoa anh đào và là mơ ước của hội con sen trên toàn thế giới nói chung vì lẽ đó.
Akita Inu cũng là giống chó có thâm niên lâu đời thuộc vào hàng nhất nhì tại Nhật Bản. Chúng được con người tìm thấy vào những năm 1600 ở phía Bắc tỉnh Akita, cái tên Akita cũng xuất phát từ đây.
Phải đến khi thế chiến thứ hai kết thúc, chúng mới có dịp vươn ra quốc tế và quốc gia đầu tiên mà Akita Inu đặt chân đến là Mỹ. Tại đây, chúng được các nhà khoa học xứ cờ hoa lai giống và chó ra đời giống chó Akita Mỹ với thể lực mạnh mẽ và nhiều ưu điểm hơn so với giống chó ban đầu.
Với cơ thể cân đối, khỏe mạnh, bộ lông dài mềm mượt, đôi mắt nâu sẫm lay láy cùng tính cách hoạt bát, thông minh và lối sống cực kỳ tình cảm. Đặc biệt là với câu chuyện nổi tiếng của người bạn Hachiko - Chú chó trung thành đợi chủ suốt 9 năm ròng, giống chó Akita Inu luôn là niềm ao ước của hàng triệu con sen trên thế giới nói chung.
Chú chó Hachiko thuộc giống Akita Inu - Một giống chó thông minh, tình cảm và lòng trung thành tuyệt đối
Câu chuyện đợi chủ suốt 9 năm ròng của Hachiko
Chú chó Hachiko sinh ngày 10 tháng 11 năm 1923 tại một nông trại ở thành phố Odate thuộc quê hương Akita. Đến năm 1924, chú ta được giáo sư Hidesaburo Ueno - Một giảng viên khoa nông học của trường đại học Hoàng gia Tokyo nhận nuôi. Giáo sư đã cùng với chú chó trung thành ấy ngồi chuyến tàu tốc hành để trở về Tokyo từ tỉnh Akita vào lúc 8 giờ tối. Nhân sự kiện này, giáo sư đã đặt tên cho cún cưng của mình là Hachi (Hachi có nghĩa là số 8 trong tiếng Nhật). Mãi về sau, câu chuyện của chú chó ấy trở nên nổi tiếng, khi chú chó Hachiko qua đời, người ta mới thêm chữ “ko” vào tên chúng để thể hiện sự trân trọng. Vì theo văn hóa Nhật Bản, “ko” chỉ được dùng trong tên người.
Vốn sống một mình đã lâu, sự xuất hiện của chú chó Hachiko mang đến cho giáo sư rất nhiều niềm vui, ông dần xem chú ta như con trai mình và dành rất nhiều sự quan tâm cho cún yêu. Có lẽ, đó là khoảng thời gian đẹp đẽ mà Hachiko không thể nào quên trong đời.
Mỗi ngày, Hachiko đều theo chủ của mình đến tận sân ga và chỉ rời đi khi thấy chuyến tàu chở ông chủ đã đi xa. Đến cuối ngày, Hachiko lại xuất hiện để đón giáo sư khi ông đi làm về. Thói quen ấy cứ lặp đi lặp lại cho đến ngày 21 tháng 5 năm 1925, giáo sư đột ngột lên cơn nhồi máu cơ tim và qua đời tại nơi làm việc. Những ngày sau đó, cứ đúng giờ, Hachiko lại xuất hiện ở nhà ga dù không lần nào gặp được giáo sư và sau đó là những năm tháng chờ đợi đằng đẵng.
Sau khi giáo sư mất, Hachiko được rất nhiều người nhận nuôi, dù liên tục đổi chủ, chú chó trung thành vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ về người chủ đầu tiên của mình. Ngày ngày, chú vẫn đến nhà ga đợi giáo sư.
Năm 1927, Hachiko được người làm vườn cũ của nhà giáo sư là Kobayashi nhận nuôi, từ đây, chú mới có chốn nương thân ổn định hơn. Nhưng rất nhiều lần, chú chó Hachiko vẫn tìm đường trở về ngôi nhà cũ và khi đợi mãi vẫn không gặp được giáo sư Uneo, chú lại chạy đến nhà ga. Tổng cộng, chú đã chờ đợi 9 năm, 9 tháng, 15 ngày kể từ khi chủ mất.
Chú chó trung thành Hachiko đã chờ đợi 9 năm, 9 tháng, 15 ngày kể từ khi chủ mất
Bức tượng Hachiko nổi tiếng
Năm 1932, Hirokichi Saito, một trong những sinh viên của giáo sư Uneo khi trước và cũng là người chuyên môn nghiên cứu về giống chó Akita đã nhìn thấy chú chó Hachiko ở nhà ga, Vì tò mò, ông đã theo chú ta về nhà và biết được câu chuyện phía sau thông qua lời kể của người làm vườn. Cảm động trước câu chuyện của chú chó trung thành, Saito đã đưa câu chuyện này viết thành một bài báo gửi về tờ Asahi Shimbun.
Nhờ độ phủ sóng của tờ Asahi Shimbun thời bấy giờ, câu chuyện về chú chó trung thành được lan truyền rộng rãi. Những con người trên khắp mọi miền Nhật Bản đã không quản ngại đường xa tìm đến nhà ga để gặp Hachiko. Đối với người Nhật Bản, chú chó trung thành ấy đã trở thành biểu tượng của lòng trung thành của con người đối với gia đình, vốn là phẩm chất mà mọi người dân Nhật Bản cần phải phấn đấu để đạt được nó. Hay sâu xa hơn là lòng trung thành của họ đối với Nhật Hoàng. Những giáo viên cũng lấy hình tượng chú chó Hachiko để giáo dục cho những thế hệ học sinh của mình.
Tháng 4 năm 1934, tại ga Shibuya, pho tượng đồng Hachiko do nhà điêu khắc nổi tiếng Ando Teru thực hiện được dựng lên và chú chó trung thành cũng có mặt tại lễ khánh thành hôm ấy. Sau đó, Nhật Bản bước vào thế chiến thứ hai, trong điều kiện thiếu thốn, người ta đã nung chảy bức tượng để làm vũ khí. 14 năm sau khi hòa bình lặp lại, họ quyết định phục dựng bức tượng. Bức tượng ấy cũng trở thành một điểm tham quan nổi tiếng cho đến tận ngày hôm nay.
Tháng 4 năm 1934, tại ga Shibuya, pho tượng đồng Hachiko do nhà điêu khắc nổi tiếng Ando Teru thực hiện được dựng lên
Hachiko và nguồn cảm hứng cho Hollywood
Dù đã thành công gặp lại người chủ của mình vào ngày 8 tháng 3 năm 1935 vì căn bệnh giun sán và ung thư giai đoạn cuối, Hachiko mất tại chính nhà ga mà chú đã chờ đợi suốt 9 năm nhưng huyền thoại về chú chó trung thành vẫn sống mãi cho đến tận ngày hôm nay. Thậm chí vào năm 19994, tức 59 năm sau ngày Hachiko mất, đài CBN (Một đài truyền hình tiếng tăm ở Nhật Bản) đã phát hành bản thu âm tiếng sủa của Hachiko và hàng triệu thính giả ở thời điểm đó đã bật đài chỉ để “nghe chó sủa”.
Câu chuyện ấy cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho những bộ phim, truyện về sau. Có thể kể đến như The True Story of a Loyal Dog của Pamela S. Turner, Hachiko Waits của tác giả tác giả Leslea Newman,...Đến năm 2009, bộ phim “Hachiko: A Dog’s Tale” do nhà Hollywood sản xuất, dưới diễn xuất tài tình của nam diễn viên Richard Gere lại tiếp tục khiến hàng triệu trái tim thổn thức.
Tất cả điều đó đã chứng tỏ rằng dù mất đi, chú chó Hachiko vẫn luôn được yêu mến vô điều kiện.
Bộ phim “Hachiko: A Dog’s Tale” do nhà Hollywood sản xuất khiến hàng triệu trái tim thổn thức
Vì sao loài chó trung thành với con người?
Có lẽ từ câu chuyện của chú chó Hachiko, đã có rất nhiều người nảy sinh thắc mắc: “Vì sao loài chó trung thành với con người?”, “Lòng trung thành của chó xuất phát từ đâu?” Hãy để beadoggo giúp bạn tìm kiếm câu trả lời thông qua việc tìm hiểu một số nguyên nhân cơ bản như sau.
Đột biến gen
Theo một nghiên cứu xuất bản vào tháng 7 năm 2017 trên Science Advanced, nghiên cứu cho thấy sự đặc biệt trong cấu trúc gen của loài chó cho phép chúng dễ dàng tiếp nhận thuần hoá và hướng về cộng đồng, xã hội con người.
Hiểu một cách đơn giản thế này, một chú chó cũng giống như một cậu bé vậy. Chúng luôn mưu cầu nhận được sự quan tâm và chú ý. Vừa hay, những người chủ nuôi sẽ là đối tượng hoàn hảo có thể đáp ứng được mưu cầu chính đáng ấy. Mối quan hệ mật thiết giữa “mong muốn được chú ý” và “sự chú ý” cũng là một nhân tố làm nên chú chó trung thành.
Sự di truyền
Chúng ta đều biết tổ tiên của chó là loài sói. Theo nhiều nghiên cứu, dù là loài động vật ăn thịt hoang dã và dữ tợn nhưng vẫn có sự khác biệt giữa những con sói sống gần con người so với số còn lại. Những con sói ấy thường hiền hòa và thân thiện hơn rồi truyền lại gen xã hội này cho thế hệ sau của chúng - Những chú chó của chúng ta. Bên cạnh đó, quá trình thuần hóa và chung sống trong hàng nghìn năm đã khiến cho loài chó ngày càng quen thuộc, gắn bó với con người và trở thành những chú chó trung thành.
Một số nghiên cứu khác lại chỉ ra, đồng hồ sinh học của loài chó cũng có rất nhiều điểm tương đồng với con người. Có lẽ điều này sẽ khiến các boss “ngộ nhận” những con sen chúng ta là đồng loại của chúng. Lại nói, loài sói vốn có tập tính bầy đàn, tập tính ấy vẫn được di truyền ở những chú chó cho đến tận ngày hôm nay. Nếu những con sói có xu hướng trung thành với bầy đàn của nó thì giờ đây, sự trung thành ấy được chó thể hiện với những thành viên trong gia đình.
Tình yêu thương của những người chủ nuôi
Điều cuối cùng nhưng cũng không kém phần cốt lõi làm nên một chú chó trung thành chính là tình yêu thương của những người chủ nuôi. Đơn cử như câu chuyện của chú chó Hachiko, nếu giáo sư không thực sự xem chú chó của mình như một người thân trong gia đình và đối xử với chú ta bằng tất cả những yêu thương, quan tâm chân thành thì liệu Hachiko có đợi chủ ở sân ga trong suốt 9 năm ròng? Chúng tôi tin rằng mỗi người đều có cho riêng mình câu trả lời.
Vậy nên, trước khi mong muốn sở hữu một chú chó trung thành tuyệt đối, chúng ta hãy đối xử với chúng như một thành viên trong gia đình, hoặc như một người tri kỷ không thể thiếu bạn nhé.
Điều cốt lõi làm nên một chú chó trung thành chính là tình yêu thương của những người chủ nuôi
Lời kết
Thông qua câu chuyện về chú trung thành Hachiko, Beadoggo hy vọng sẽ mang đến cho bạn những tình cảm tốt đẹp đối với loài chó cũng như cùng bạn lý giải lòng trung thành của chúng. Có lẽ, mỗi chú chó trên đời này đều có thể trở thành một “Hachiko” như thế nếu bạn đối xử với các chú ta bằng tình yêu thương và quan tâm chân thành. Cảm ơn bạn đã đón đọc, hẹn gặp lại bạn trong những bài viết tiếp theo.