Đừng nên hôn chó kẻo mắc bệnh truyền nhiễm như chơi
Bạn có một chú cún rất đáng yêu? Bạn thường hôn chú chó của mình, chú chó của bạn cũng rất thích điều đó? Đây là phương thức thể hiện tình cảm đặc biệt giữa bạn và thú cưng? Những điều đó nghe thật đáng yêu. Nhưng chắc chắn, những chuyên gia thú y sẽ không bao giờ khuyến khích bạn thực hiện hành động này đối với các boss nhà mình đâu. Bởi lẽ, nó sẽ khiến bạn tăng nguy cơ mắc các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ thú cưng. Hãy cùng beadoggo giải đáp lý do không nên hôn chó cũng như các căn bệnh truyền nhiễm từ chó sang người thường gặp trong bài viết dưới đây nhé.
Vì sao bạn không nên hôn chó?
Chúng ta đều biết, miệng người và chó nói chung đều chứa một lượng vi khuẩn rất lớn. Nhưng may mắn rằng hầu hết những vi khuẩn ấy hiếm khi ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Tuy nhiên, vẫn có một số ngoại lệ và chúng đang trú ngụ trong vòm họng của cún cưng nhà bạn do thói quen liếm nhiều nơi trên cơ thể của loài vật 4 chân này.
Các ký sinh trùng như giun móc, giun đũa và giardia thường có trong khoang miệng của chó và chúng hoàn toàn có thể lây truyền sang con người thông qua việc tiếp xúc nước bọt, bao gồm hôn chó và để chúng liếm. Trong trường hợp xấu nhất, ký sinh trùng lây nhiễm có thể khiến bạn bị nhiễm trùng toàn thân, sốc nhiễm khuẩn và thậm chí là gây hoại tử, phải cắt bỏ tứ chi.
Trong khoang miệng của chó có rất nhiều ký sinh trùng và chúng hoàn toàn có thể lây truyền sang con người
Những căn bệnh truyền nhiễm thường gặp từ chó sang người
Hiện nay có hơn 70 mầm bệnh có nguy cơ lây truyền từ chó sang người thông qua việc hôn chó nói riêng và tiếp xúc nói chung, mà dưới đây là những căn bệnh thường gặp nhất.
Bệnh dại
Bệnh dại là một trong những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến và không kém phần nguy hiểm. Thông thường, bệnh dại có thể truyền nhiễm từ chó sang người thông qua vết cắn, vết cào hay thậm chí là sự tiếp xúc với nước bọt của chó dại trên vùng da bị tổn thương. Virus dại (Rhabdo Viridae giống Lyssavirus) sẽ thâm nhập vào cơ thể con người qua vết thương hở trên da và phát bệnh một cách nhanh chóng.
Căn bệnh truyền nhiễm này hoàn toàn có thể phòng và điều trị dự phòng một cách hiệu quả bằng việc tiêm vắc-xin hay huyết thanh kháng dại. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời khi nhiễm bệnh, nguy cơ tử vong gần như là 100%.
Bệnh dại có thể lây từ chó sang người thông qua vết cắn, vết cào hay sự tiếp xúc với nước bọt của chó dại trên vùng da bị tổn thương
Trùng xoắn móc câu
Trùng xoắn móc câu là loại vi khuẩn sống trong nước tiểu của những chú chó nhiễm bệnh. Khi nhiễm khuẩn trùng xoắn móc câu, sức khỏe của boss yêu sẽ bị tàn phá nghiêm trọng, gây ra các hiện tượng như: Nôn mửa, đi ngoài không kiểm soát, chán ăn, ủ rũ,... Nghiêm trọng hơn cả là có thể gây viêm màng não, suy thận, suy gan,...
Căn bệnh truyền nhiễm từ chó này có thể lây lan sang con người một cách nhanh chóng thông qua việc tiếp xúc với nước tiểu của chó nhiễm bệnh hoặc vô tình sử dụng nguồn nước mà một chú chó nhiễm bệnh từng tiếp xúc qua.
Để phòng chống căn bệnh này, beadoggo rất khuyến khích những người chủ nuôi chủ động đưa cún yêu nhà mình đi tiêm phòng đầy đủ, tránh để chúng tiếp xúc với nguồn nước bẩn hoặc nghi bị nhiễm khuẩn từ động vật khác. Trong trường hợp chú chó chẳng may mắc bệnh, bạn cần cách ly chúng khỏi nguồn nước sinh hoạt trong gia đình, tránh tiếp xúc với nước tiểu của chúng và đưa chúng đến cơ sở thú y uy tín để được thăm khám, điều trị kịp thời.
Giun đũa
Giun đũa là một loại ký sinh trùng sống trong chính cơ thể của chó. Giun đũa vô cùng nguy hiểm đối với cả chó và người, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ.
Căn bệnh truyền nhiễm này thường lây lan từ chó sang người thông qua việc tiếp xúc với trứng giun có trong phân chó. Một người bị nhiễm giun đũa có thể xuất hiện các triệu chứng như khó thở, tức ngực, đi ngoài, nổi mề đay, thiếu máu,... Chung quy lại đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Vậy nên, để phòng chống căn bệnh truyền nhiễm này, bạn nên:
- Tẩy giun cho chó định kỳ 3 tháng/1 lần để ngăn ngừa giun và trứng giun
- Đeo găng tay và rửa thật kỹ tay với xà phòng sau khi thu dọn phân chó
- Trước và sau khi chơi đùa, vuốt ve, tiếp xúc với chó đều phải sát khuẩn kỹ cả hai tay trước khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày
- Tránh tuyệt đối những hành động thân mật không đảm bảo vệ sinh như hôn chó, ăn cùng chó,... Bên cạnh đó, những đồ dùng riêng của chó cũng cần được vệ sinh kỹ càng
Hắc lào
Bệnh truyền nhiễm hắc lào được gây ra bởi một loại nấm phát triển trong nang lông, lây truyền từ chó sang người một cách trực tiếp qua tiếp xúc ngoài da. Triệu chứng của bệnh hắc lào ở chó thường là xuất hiện nhiều vết thương đỏ, vùng da ngứa giòn, loang lổ,.. Tuy nhiên, do chó thường có lớp lông dày bao phủ khắp cơ thể nên những triệu chứng này rất khó để nhìn ra.
Đối với người lại dễ dàng phát hiện hơn, bệnh nhân hắc lào thường xuất hiện những vết ban hình bầu dục hoặc đồng xu, có màu đỏ hoặc màu sẫm, gây ngứa ngáy khó chịu và có thể bong tróc tạo thành vẩy.
Để phòng chống căn bệnh này, bạn nên thường xuyên vệ sinh vị trí nằm của chó, giữ cho chúng sạch sẽ, khô thoáng và chú ý sát khuẩn trên da sau khi tiếp xúc với chó.
Hắc lào là một bệnh truyền nhiễm có thể lây từ chó sang người
Viêm da
Viêm da là căn bệnh truyền nhiễm có thể lây lan khi con người tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của chó thông qua việc bị chó cắn hoặc liếm, đặc biệt là những người có vùng da nhạy cảm. Dấu hiệu rõ ràng nhất khi một người mắc bệnh viêm da chính là vùng tiếp xúc xuất hiện tình trạng ngứa, mẩn đỏ và nhiễm trùng.
Để phòng chống căn bệnh này, bạn cần rửa sạch vùng da sau khi tiếp xúc với nước bọt của chó cũng như tránh các vết thương hở, vết xước trong quá trình chơi đùa với chúng.
Dấu hiệu mắc bệnh viêm da chính là vùng tiếp xúc xuất hiện tình trạng ngứa, mẩn đỏ và nhiễm trùng
Làm sao để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm từ chó?
Mặc dù việc hôn chó nói riêng và nuôi thú cưng nói chung có thể tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm rất cao nhưng bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa căn bệnh này bằng những biện pháp sau đây:
- Rửa tay với xà phòng và nước sau khi tiếp xúc với chó hoặc phân của chúng. Có thể dùng cả cồn xịt tay để tăng hiệu quả sát khuẩn
- Không nên hôn hoặc có những hành động tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của chó hay để chúng liếm vào vết thương hở
- Không sử dụng chung các vật dụng như bát, đĩa,... với chó cũng như để chúng tiếp xúc
- Có những biện pháp chăm sóc sức khỏe cho thú cưng như tiêm phòng, sổ giun định kỳ cho chúng
- Nên đeo bao tay trong quá trình vệ sinh chỗ ở cũng như thân thể cho chó, đặc biệt là phụ nữ mang thai
- Trong trường hợp bị chó cào hoặc cắn mà không biết liệu chú chó ấy có mắc bệnh truyền nhiễm hay không, bạn nên rửa sạch vết thương với nước sạch và đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và tiêm phòng kịp thời
Lời kết
Thông qua bài viết này, beadoggo hy vọng có thể giúp bạn giải đáp những thắc mắc xoay quanh những nguy cơ tiềm ẩn khi hôn chó và những căn bệnh truyền nhiễm thường gặp từ chó sang người để từ đó có những biện pháp bảo vệ bản thân cũng như thú cưng của mình. Cảm ơn bạn đã đón đọc, hẹn gặp lại bạn trong những bài viết tiếp theo.