Tự tiêm thuốc cho chó tại nhà. Nên hay không?

Trong quá trình nuôi thú cưng, hẳn là chúng ta đều không tránh khỏi tình trạng những lần bị ốm. Chính vì vậy, bản thân người chủ cần trang bị cho mình các kiến thức cơ bản trong việc cho chúng uống thuốc hoặc tiêm thuốc khi gặp vấn đề về sức khỏe.

Tiêm và uống thuốc hai phương án hữu ích nhất trong quá trình trị bệnh cho chó. Tuy nhiên, những phương pháp này cần được thực hiện một cách cẩn thận và chính xác. Bởi nếu không trang bị kiến thức đúng cách thì rủi ro và nguy cơ mang lại nguy hiểm cho các chú chó là rất cao. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những kiến thức cần biết khi cho chó sử dụng thuốc và một vài điều cơ bản về việc tiêm thuốc cho chó nhé. 

Tại sao bạn cần biết cách tiêm chó cơ bản? 

Thường thấy, các bạn chủ hay lo lắng và đưa chó đi bác sĩ tiêm. Tuy nhiên, khi bạn biết cách tiêm chó, biết sử dụng những loại vacxin cơ bản, bạn có thể tiết kiệm được một khoản kha khá so với chi phí đến thú y. Chó con có thể trạng yếu, thường có nhiều bệnh, và việc biết tiêm cho em ấy nhằm đẩy lùi các bệnh cũng là một điều vô cùng cần thiết. 

Tiêm chó tại gia có thể giúp bạn tiết kiệm được một khoản chi phí.

Ngoài ra, nếu chó của bạn mắc những bệnh mãn tính và cần tiêm thường xuyên, chi phí đến viện thú y sẽ tương đối cao và nhiều về lâu dài. Chính vì vậy, việc có thể tự tiêm ở nhà hoàn toàn giúp bạn tiết kiệm được một khoản chi phí tương đối. 

Những trường hợp nào ở chó bạn có thể tự tiêm? 

Dù bạn nắm được cơ bản kỹ thuật tiêm và có khả năng thực hành, nhưng không phải lúc nào cũng nên tự tiêm cho chó. Để an toàn hơn, trong nhiều trường hợp, bạn nên đưa đến bác sĩ. Tuy nhiên, dưới đây là một số trường hợp mà bạn có thể hoặc nên xử lý tại nhà: 

  • Chó đang mắc phải bệnh nặng, ăn phải độc,...và có thể không chịu được việc di chuyển đến viện thú y
  • Tiêm vacxin định kỳ, chích nhắc (có chỉ định của bác sĩ và đúng loại vacxin)

Bạn có thể tiêm cho chó định kỳ tại nhà.

Tiêm chó đúng cách như thế nào?

Để có thể tự tin thực hành tiêm chó đúng cách, bạn cần nắm vững các bước sau: 

Bước 1: Chọn kim tiêm phù hợp

Kim tiêm cho chó thường có nhiều loại, tuỳ theo cân nặng và độ tuổi mà bạn nên lựa chọn kim tiêm cho phù hợp với các bạn doggo. Điều đó sẽ giúp cho các bé không bị đau bởi kim quá lớn, hay không đưa được thuốc vào vì kim quá nhỏ. Chúng tôi khuyến khích bạn lựa chọn kim theo khối lượng chó như sau:

  • Dưới 2kg: Dùng loại 1cc
  • Khoảng 2 - 4 kg: Dùng loại 1cc hoặc 3cc đều được
  • Thể hình lớn hơn hoặc lượng thuốc nhiều hơn: Dùng loại 3cc hoặc 5cc

Bước 2: Cầm kim đúng cách

Thế nào là cầm kim đúng cách khi tiêm chó? Bạn cần lưu ý làm đúng theo những bước sau: 

  • Cầm chắc kim tiêm
  • Lưu ý: đầu kim thường có dạng nhọn vát chéo, đưa đầu nhọn để tiêm chó, không làm ngược lại vì dễ kẹt thuốc, làm chó đau đớn, giãy giụa dẫn đến gãy kim
  • Rút hết thuốc từ lọ vào bơm, không để sót lại trên kim
  • Nên búng nhẹ để khí trong bơm bay ra hết, chỉ còn thuốc. 

Bước 3: Giữ chó

Vì quá trình tiêm có thể gây ra đau đớn, các bạn chó sẽ không tránh khỏi giãy giụa và có thể gây trở ngại, thậm chí là gãy kim. Chính vì vậy, khi tiêm chó, bạn nên có 2 người - 1 người giữ và 1 người tiến hành tiêm. 

Bạn cần người hỗ trợ giữ chó để tiêm cho chính xác và em ấy không giãy giụa gây đau đớn.

Lưu ý rằng, bạn không nên giữ quá chặt làm em ấy khó chịu. Bạn có thể dùng 1 tay giữ gáy chó, 1 tay ôm và trò chuyện để chó phân tâm và không bị hoảng loạn. Hoặc bạn có thể bế chó lên để chân không chạm đất, hay đơn giản hơn là cho chúng đứng và đặt 2 chân trước lên đùi bạn. Một điều nữa được khuyến khích chính là, bạn nên đeo rọ mõm cho chó để tránh chúng bị kích thích và cắn lung tung. 

Bước 4: Tiêm theo đường tiêm

Giống như kỹ thuật tiêm ở người, tiêm chó cũng có thể tiêm theo nhiều đường. Dưới đây là một số đường tiêm thông thường và thời điểm sử dụng.

  • Tiêm dưới da: Đây là phương pháp phổ biến nhất và đơn giản nhất. Tại nhà, bạn nên chọn vùng da ở hông, cách sống lưng một đoạn, vạch phần lông ra và tiêm vào khoảng trống. Khi tiêm, bạn phải cắm hết phần kim, bơm hết thuốc và không nên hoảng sợ nếu thấy chảy máu. Sau khi hết thuốc, bạn cần xoa nhẹ phần này để thuốc tan nhanh. Lưu ý rằng, bạn không nên chọn phần da bụng vì phần này có kỹ thuật tiêm phức tạp, cần đến người có chuyên môn.

Kỹ thuật tiêm dưới da là kỹ thuật đơn giản nhất để bạn tự tiêm cho chú chó của mình

  • Tiêm bắp: Đây lại là kỹ thuật khó, cần có sự dạn tay và cần cân nhắc kỹ. Thường thấy nhất là tiêm ở bắp chân trước hoặc bắp thịt 2 bên hông thay cho bắp sau và mông vì dễ gây đau buốt. Cũng như tiêm dưới da, bạn cần cắm hết kim và bơm hết thuốc. Bạn không nên chọn tiêm mông tại nhà vì dễ bị rủi ro cắm vào gân hoặc xương gây nguy hiểm. 
  • Tiêm ở ven: Tiêm ở ven là kỹ thuật tiêm phức tạp nhất. Điều quan trọng nhất trong kỹ thuật này là phải tìm đúng ven. Nếu tìm sai, chỗ tiêm sẽ bị sưng và bạn phải tìm lại ven khác để tiêm. Vì vậy, kỹ thuật này không được khuyến cáo tiêm tại nhà. 

Vài điều cơ bản về cho chó uống thuốc

Tuy thoạt nhìn việc cho chó uống thuốc có vẻ đơn giản hơn là tiêm thuốc nhưng để thực hiện điều này, bạn cần lưu ý một số điều như sau.

Lựa chọn dạng thuốc phù hợp

Thuốc cho chó có đa dạng hình dạng mà bạn có thể lựa chọn tuỳ theo mục đích và khả năng cho chó uống của bạn. Thuốc cho chó cưng thường có hai dạng phổ biến và cơ bản nhất là viên và lỏng

Thuốc dạng viên

Thuốc viên ở chó thường xuất hiện dưới dạng nén hoặc hình nhộng. Thuốc ngừa thai cho chó cũng nên được uống viên thay vì tiêm.

Với dạng viên này, bạn nên cho chó uống trực tiếp bằng tay. Để tránh chó nhổ, bạn gần như phải ném chính xác vào cuống họng nhằm giúp chúng uống dễ dàng hơn. Sau khi thuốc vào miệng, bạn cần giữ mõm lại để chúng không nhổ ra. Và khi chúng liếm mép, đó chính là dấu hiệu cho bạn biết chó đã uống xong. Quá trình cho chó uống thuốc cần diễn ra hết sức nhẹ nhàng và không làm chúng sợ hãi. 

Thuốc dạng nước

Dễ hơn thuốc dạng viên, thuốc dạng nước không cần bạn phải nén chính xác. Tuy nhiên, bạn cần dùng bơm tiêm, rút hết nước vào bơm rồi đẩy phần thuốc nào vào miệng chó. Để thực hiện một cách suôn sẻ hơn, bạn có thể sẽ cần đến sự trợ giúp của 1 người nữa. 

Cho chó uống thuốc nước bằng bơm tiêm

Đối với thuốc dạng nước, bạn nên bơm từng lượng nhỏ vào miệng chó để tránh em ấy bị sặc. Đồng thời, bạn cũng nên giữ kín miệng chó và giúp chúng hơi ngửa đầu bởi điều đó sẽ giúp chúng nuốt dễ hơn. Nếu chúng có dấu hiệu sặc thuốc hoặc nôn thì bạn nên dừng quá trình này. 

Chăm sóc chó sau khi uống thuốc xong

Cũng giống như những đứa trẻ, chó thường sẽ sợ thuốc. Vì vậy, cần lưu ý lau sạch mặt và miệng chó nhằm xóa đi mùi thuốc, không làm chúng ám ảnh và sợ uống thuốc. Bạn cũng rất cần an ủi và vỗ về chúng để tâm trạng chúng thoải mái, ổn định hơn. 

Cảm ơn bạn đã đọc bài tại beadoggo.com


Bài viết liên quan

Mách bạn: cách vệ sinh tai chó sạch sẽ và an toàn
Mách bạn: cách vệ sinh tai chó sạch sẽ và an toàn

Tai là một bộ phận quan trọng trên cơ thể chó, cần được chăm sóc và giữ vệ sinh. Vậy nên, mỗi người chủ nuôi nên trang bị cho mình những kiến thức về cách vệ sinh tai chó.

Bình luận