Vòng quanh thế giới thú cưng: 7 điều luật bảo vệ chó thú vị mà có thể bạn mới nghe lần đầu
Nội dung bài viết
- Tầm quan trọng của những điều luật bảo vệ chó
- Top 7 điều luật bảo vệ chó kỳ lạ đến khó tin trên thế giới
- Trộm chó ở New York sẽ bị phạt đến 25 triệu
- Ở Philadelphia chó phải được nuôi trong nhà nếu không sẽ bị phạt 500 USD
- Muốn nuôi chó ở Thuỵ Sĩ, bạn cần phải làm một bài kiểm tra
- Ở Thuỵ Điển muốn nuôi chó phải đảm bảo đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần
- Ở Thái Lan bạo hành chó có thể bị đi tù
- Tại Ý chủ nuôi phải dắt chó đi dạo ít nhất 3 lần/ngày
- Giết mổ thịt chó ở Hồng Kông có thể bị phạt tù từ 6 tháng
- Việt Nam có điều luật bảo vệ chó hay không?
- Lời kết
Tầm quan trọng của những điều luật bảo vệ chó
Không phải tất cả mọi người trong xã hội, kể cả những người nuôi thú cưng đều là những người sẵn sàng chăm sóc và đối xử tốt với thú cưng. Báo chí hay những nền tảng mạng xã hội đã từng ghi nhận rất nhiều trường hợp đau lòng về vấn đề thú cưng bị ngược đãi trên khắp thế giới: Chú chó Er Mao bị nhân viên sân bay bạo hành dã man dẫn đến chấn thương trên khắp cơ thể, một chú chó bị chôn sống tại Jeju (Hàn Quốc) hay sự việc hai chú chó bị kẻ trộm đánh đập, rọ mõm dẫn đến hoại tử ở Việt Nam,..
Vậy nên, tầm quan trọng của những điều luật bảo vệ chó trước nhất là để ngăn chặn những hành vi bạo hành, ngược đãi động vật nói chung và khiến cho những kẻ cố tình vi phạm nhận được hình phạt thích đáng trước pháp luật.
Tầm quan trọng của những điều luật bảo vệ chó trước nhất là để ngăn chặn những hành vi bạo hành
Top 7 điều luật bảo vệ chó kỳ lạ đến khó tin trên thế giới
Giống như chúng tôi đã đề cập, để bảo vệ tốt hơn cho những người bạn bốn chân trung thành, thế giới hiện nay đã đặt ra không ít những điều lệ bảo vệ chó nghiêm khắc, trong đó có những điều lệ kỳ lạ đến khó tin mà chúng tôi sắp mang đến cho bạn.
Trộm chó ở New York sẽ bị phạt đến 25 triệu
Điều luật bảo vệ chó này khá tương đồng với đất nước chúng ta và nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi lẽ, dù ở bất kỳ nền văn hoá nào, việc đánh cắp thú cưng của người khác là một hành vi hoàn toàn sai trái và cần được xử lý theo quy định.
Thành phố New York xinh đẹp cũng không ngoại lệ, chuyện phải kể từ năm 2014, một điều luật bảo vệ chó mới được bổ sung, quy định một mức tiền phạt tương đối cao cho tội danh trộm chó phải chịu mức phạt từ 200 USD (5 triệu VND) đến 1000 USD (25 triệu VND). Điều luật này được áp dụng chung cho những hành động như tháo bỏ vòng cổ, bảng tên của một chú chó với mục đích xấu, quấy rối, tổn hại hoặc bắt giữ trái phép một chú chó với ý đồ buôn bán hoặc giết mổ.
Bên cạnh đó, ngoài việc chi một khoản tiền đóng phạt, những người phạm tội còn phải chịu án phạt tù, án phạt này cao nhất có thể lên đến 6 tháng.
Tội danh trộm chó ở New York phải chịu mức phạt từ 200 USD (5 triệu VND) đến 1000 USD (25 triệu VND)
Ở Philadelphia chó phải được nuôi trong nhà nếu không sẽ bị phạt 500 USD
Trên thế giới từng ghi nhận rất nhiều những trường hợp hợp chú chó bị chủ nuôi bỏ rơi giữa thời tiết lạnh giá để rồi qua đời vì rét. Giống như sự việc đau lòng từng xảy ra thành phố Yakutsk (Nga), một chú chó bị chủ nhân hất nước lạnh vào người sau đó ném ra đường giữa trời đông lạnh âm 32 độ C, khi đội cứu hộ tìm thấy, chú chó đáng thương đã đông cứng toàn thân và không thể đứng dậy, dù được chữa trị ngay sau đó nhưng nó cũng không thể sống sót. Vậy thì hẳn những người chủ nuôi vô tình ấy nên đến với tiểu bang Philadelphia.
Ở Philadelphia - Một tiểu bang của Hoa Kỳ có một điều luật bảo vệ chó khá kỳ lạ. Điều luật này quy định những người chủ nuôi phải mang thú cưng của mình vào nhà trong những ngày trời giá lạnh, nếu không họ sẽ đối mặt với mức phạt rơi vào khoảng 500USD (12,5 triệu VND). Trong trường hợp chú chó qua đời vì rét, hình phạt còn có thể cao hơn.
Đối với beadoggo, điều luật này khá là hữu ích, cho phép những người bạn bốn chân của ta có một môi trường sống tốt đẹp và lành mạnh hơn cũng như nhận được sự quan tâm, chăm sóc cần thiết trong những ngày thời tiết khắc nghiệt.
Muốn nuôi chó ở Thuỵ Sĩ, bạn cần phải làm một bài kiểm tra
Có lẽ đây là một trong những điều luật bảo vệ chó khá lạ lẫm và có phần kỳ quái với đại đa số chúng ta. Bởi lẽ, hiếm khi việc đơn giản như nhận nuôi một chú chó đáng yêu cũng trở nên phức tạp đến mức phải làm một bài kiểm tra.
Nhưng chính quyền Thuỵ Sĩ thì không nghĩ thế. Đất nước này quy định bạn phải tham gia một khoá học huấn luyện và hoàn thành bài kiểm tra nếu muốn nuôi chó. Tại đây, bạn sẽ được cung cấp rất nhiều kiến thức liên quan đến cách chăm sóc, nuôi dưỡng và đối xử với thú cưng của mình trước khi chuyển đến lớp thực hành bắt buộc để luyện tập một số kỹ năng cần thiết.
Nhiều người nhận xét rằng đây là một điều luật bảo vệ chó khá hay. Vì chỉ khi một người chủ có đủ kiến thức và kinh nghiệm trong việc nuôi dưỡng thú cưng thì mới có thể đảm bảo những người bạn bốn chân đáng yêu của chúng ta nhận được sự chăm sóc tốt nhất.
Ngoài ra, mỗi một chú chó trước khi nhập tịch vào Thuỵ Sĩ cũng cần phải đưa đến bác sĩ thú y để gắn vi mạch và đăng ký nhận dạng bắt buộc. Điều này cho phép chúng được bảo vệ tốt hơn trong chính đất nước mà mình sinh sống.
Thuỵ Sĩ quy định bạn phải tham gia một khoá học huấn luyện và hoàn thành bài kiểm tra nếu muốn nuôi chó
Ở Thuỵ Điển muốn nuôi chó phải đảm bảo đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần
Thuỵ Điển là một trong những quốc gia yêu mến động vật nói chung và những chú chó nói riêng. Tại đây, người ta ban hành rất nhiều điều luật nhằm đảm bảo chó mèo được nuôi dưỡng và sinh sống trong môi trường tốt nhất.
Theo những điều luật bảo vệ chó này, ngoài những điều kiện cơ bản phải đáp ứng về thức ăn, nơi ở, người chủ nuôi cũng cần phải kiểm tra tình trạng của thú cưng ít nhất 2 lần/ngày. Chúng cũng cần được thoả mãn một số nhu cầu về tinh thần như đi dạo, vui chơi và giao du với những chú chó khác.
Trong trường hợp chú chó được nuôi trong nhà, người chủ cần phải đảm bảo rằng không gian sống của chúng phải có cửa sổ và có đủ ánh sáng mặt trời. Mức độ ammonia và carbon dioxide trong không khí phải ở dưới mức 1 phần một triệu và 3.000 phần một triệu. Tất cả đều hướng đến một cuộc sống đủ đầy về cả vật chất lẫn tinh thần dành cho những chú chó của chúng ta.
Ở Thái Lan bạo hành chó có thể bị đi tù
Bằng sự quyết tâm và nỗ lực để bảo vệ những người bạn bốn chân đáng yêu nói riêng và vật nuôi nói chung, xứ chùa vàng Thái Lan gần đây đã đưa ra rất nhiều điều luật mới nhằm ngăn chặn các hành vi tra tấn động vật. Những điều luật ấy không những nghiêm cấm các hành vi bạo hành của người chủ đối với vật nuôi mà còn yêu cầu họ phải cung cấp cho thú cưng của mình một môi trường phát triển lành mạnh.
Đối với tội danh bạo hành và tra tấn, điều luật này còn quy định rõ trong một số hành động như đánh đập, bỏ đói, bỏ rơi, đầu độc và giết hại hoặc bất kỳ hành vi nào gây ra tổn thương cho con vật cả về thể chất lẫn tinh thần. Người vi phạm sẽ phải chịu mức xử phạt tối đa ở mức 1663 USD (Khoảng 42 triệu VND) tiền phạt cùng với 2 năm tù giam.
Xứ chùa vàng Thái Lan gần đây đã đưa ra rất nhiều điều luật mới nhằm ngăn chặn các hành vi tra tấn động vật
Tại Ý chủ nuôi phải dắt chó đi dạo ít nhất 3 lần/ngày
Thành phố Turin thuộc nước Ý xinh đẹp có một điều luật bảo vệ chó vô cùng kỳ lạ, đó là những người chủ nuôi buộc phải dẫn chú chó của mình đi dạo ít nhất 3 lần/ngày nếu không sẽ bị phạt. Điều luật kỳ lạ này đã được thông qua bởi hội đồng thành phố và quy định rằng mức phạt cao nhất dành cho những người không chấp hành có thể chịu mức phạt cao nhất rơi vào 650 USD (16 triệu VND).
Ngoài ra, đất nước này còn quy định, những kẻ có hành vi bạo hành, ngược đãi và bỏ rơi thú cưng có thể chịu khoản tiền phạt lên đến 250 triệu VND kèm theo một năm ở trong tù.
Với beadoggo mà nói, điều luật này cũng khá thú vị. Bởi lẽ việc đi dạo mỗi ngày không chỉ giúp cho chủ và chó được khoẻ mạnh hơn mà còn thắt chặt mối quan hệ giữa chủ và chó. Tuy nhiên, có vẻ những người bận rộn sẽ không thích điều này.
Giết mổ thịt chó ở Hồng Kông có thể bị phạt tù từ 6 tháng
Năm 1950, chính phủ Hồng Kông đã ra điều luật cấm giết mổ thịt chó và vật nuôi nói chung dưới mọi hình thức. Bởi vậy, người dân sinh sống tại đây không có quyền giết mổ chó mèo hay vật nuôi vì bất cứ mục đích nào, người vi phạm có thể chịu mức phạt lên đến 650 USD (16 triệu VND) và 6 tháng tù.
Quốc gia này cho rằng việc giết thịt những người bạn bốn chân trung thành của chúng ta chính là một hành vi vô nhân đạo, đi ngược lại với văn minh con người. Tuy nhiên, nhiều người nhận xét rằng điều luật này vẫn chưa thực sự hiệu quả vì chính phủ vẫn chưa có quy định rõ ràng về việc cấm ăn thịt chó mèo, dẫn đến một số đối tượng vì lợi nhuận có thể sẵn sàng lách luật để thực hiện hành vi sai trái.
Một điều luật mới ban hành tại quốc gia này cũng quy định, nghiêm cấm mọi hành vi bạo hành, ngược đãi và lạm dụng động vật, những hành vi sai phạm có thể đối diện với mức phạt hành chính lên đến 200.000 USD (5 tỷ VND) và 3 năm tù giam.
Năm 1950, chính phủ Hồng Kông đã ra điều luật cấm giết mổ thịt chó và vật nuôi nói chung dưới mọi hình thức
Việt Nam có điều luật bảo vệ chó hay không?
Tuy chưa thực sự gay gắt và triệt để như một số quốc gia trên thế giới, nhưng thật chất, Việt Nam chúng ta vẫn tồn tại những điều luật bảo vệ chó mà có thể bạn không biết.
Cụ thể, đối với hành vi trộm cắp chó mèo hay vật nuôi nói chung, kẻ phạm tội sẽ bị kết vào hành vi trộm cắp tài sản của người khác, có thể đối diện với mức phạt hành chính từ 2 đến 3 triệu VND, tịch thu tang vật gây án và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp cần thiết.
Bên cạnh đó, dù chưa có bộ luật bảo vệ dành riêng chó thú cưng nhưng nhìn chung, khoản 4 Điều 69 Luật Chăn nuôi 2018 có quy định về việc đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi như sau:
“Điều 69. Đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi
Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
- Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi;
- Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh;
- Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y;
- Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.”
Và những chú chó cũng nằm trong phạm vi kể trên. Như vậy, các hành vi đánh đập, hành hạ, làm tổn thương chúng cũng được tính là vi phạm pháp luật, có thể chịu mức phạt từ 2 đến 3 triệu đồng tuỳ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, Hội An của chúng ta cũng tự hào trở thành thành phố đầu tiên tại Việt Nam nói không với thịt chó và sẵn sàng hỗ trợ phòng ngừa bệnh dại trong vật nuôi nói chung để tích cực xây dựng Hội An trở thành một thành phố du lịch văn minh và thân thiện. Trả lời báo chí, ông Hùng (Phó chủ tịch thành phố Hội An) chân thành chia sẻ: “Phúc lợi động vật là yếu tố quan trọng đối với cả khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt khi các vật nuôi, thú cưng đang ngày càng được coi là thành viên trong gia đình ở Việt Nam. Chúng tôi muốn vận động để người dân dần hình thành thói quen không ăn thịt chó, mèo. Dự án triển khai trên địa bàn là vì cái chung, xây dựng Hội An là thành phố sinh thái, du lịch nhân tình thuần hậu”. Song song với việc triển khai dự án, ông Hùng cũng cho biết, đối với những hộ kinh doanh thịt chó từ trước trên địa bàn, chính quyền sẽ tích cực hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nhằm đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân.
Thế mới thấy, kể cả ở Việt Nam hay nhiều quốc gia khác trên thế giới, vị trí của những chú doggo trong lòng dân chúng quả thực không hề tầm thường đúng không nào? Chúng đã dần chinh phục con người bởi sự đáng yêu, thông minh và trung thành của mình đó.
Hội An tự hào trở thành thành phố đầu tiên tại Việt Nam nói không với thịt chó
Lời kết
Thông qua bài viết này, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp cho các bạn nhiều thông tin hữu ích xoay quay những điều luật bảo vệ chó kỳ lạ trên thế giới. Độc giả thân mến của beadoggo có thể thấy, dù ở bất kỳ quốc gia hay nền văn hoá nào đi chăng nữa thì những chú chó vẫn luôn chiếm một vị thế quan trọng trong lòng con người, không chỉ là thú cưng mà còn là một người bạn đồng hành, một thành viên đáng mến trong gia đình, xứng đáng nhận được sự yêu thương và bảo vệ. Cảm ơn bạn đã đón đọc, hẹn gặp lại bản trong những bài viết tiếp theo.
Bài viết liên quan
Giải đáp mọi thủ tục mang chó lên máy bay
Để mang theo thú cưng cùng lên máy bay, bạn cần các loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận kiểm dịch, Giấy phép xuất nhập cảnh hoặc quá cảnh và Sổ tiêm phòng
Giải mã top 10 hành vi kỳ lạ của chó
Việc tìm hiểu những hành vi kỳ lạ của chó sẽ giúp bạn hiểu thêm nhiều điều thú vị về loài vực lắm lông này